IF YOU – MADE Tour in Bangkok

Lần đầu tiên được xem trọn vẹn bản live If you ở sân khấu Made tour tại Bangkok, *quá tuyệt vời*

Lúc trước coi bản fancam, không nghe được rõ những khúc phiêu của mấy anh vì tiếng hét của fan át đi phần lớn thời lượng ca khúc, đến lúc này coi được bản đầy đủ phải nói là If you bản live cảm xúc dễ dâng trào hơn cả bản phòng thu.

If you lúc nào cũng vậy, đoạn guitar dạo đầu khắc khoải làm tâm trạng người nghe phải trùng xuống không ít. Bản thân mình nghe lại bài hát này không biết bao nhiêu lần, bây giờ cảm giác buồn không còn nặng nề như những lúc đầu giai điệu bài hát vang lên nữa nhưng những gì ấn tượng bài hát đem lại vẫn không hề thay đổi.

If you…” Giọng hát Ji vang lên đến một lúc gần như vỡ ra, một lời thì thầm đầy đau đớn trong nuối tiếc. Ji lúc nào cũng vậy, anh luôn hát những bản nhạc buồn trong khi đặt hết tâm trạng của mình vào đó, có lẽ một phần vì anh là người viết lời nên dễ dàng cảm nhận sự đau khổ, tiếc nuối một cuộc tình trong bài hát hơn là những thành viên khác chăng?

Nếu không phải là quá muộn, liệu anh và em có thể trở về bên nhau?

Giá như em…

Giá như em có thể hiểu cho những gì khó khăn anh trải qua, mọi chuyện có lẽ sẽ được giải quyết dễ dàng hơn?

Khoảng thời gian bên nhau, đáng ra anh phải trân trọng em hơn…

Buồn từ trong từng ca từ, giọng hát làm tròn nhiệm vụ của nó khi đưa nỗi buồn đó lên cao hơn. Giọng Dae cất lên,  hình ảnh chàng trai ấy đang day dứt trong khúc hậu của cuộc chia ly lại một lần nữa mường tượng trong tâm trí…

Tự nói với bản thân lời chia tay đã định sẵn,

Anh muốn quên em nhưng mọi chuyện đâu dễ dàng như thế…

Người con trai ấy mãi nhìn theo hình bóng người anh đã từng yêu, dẫu cho hình bóng ấy nay đã nhạt nhòa.

Cảnh tượng ấy liệu sẽ biến mất khi thời gian mãi lẵng lặng trôi,

Anh nhớ những năm tháng ta đã từng bên nhau…

Sau cuộc chia tay mấy ai được thanh thản, người quay đi, người đứng lại, người muốn quên, người kia lại lục tìm trong màn mưa bóng hình thân thuộc, một vòng luẩn quẩn khi tình yêu trở nên bế tắc, cứ ngỡ chia tay sẽ cho nhau một giải thoát, mấy ai ngờ nỗi đau lại ngày một đè nặng hơn. Một lần nữa lời nuối tiếc lại được thốt lên như một lời cầu xin cho mối tình nay đã vụn vỡ.

Nếu không phải là quá muộn, liệu anh và em có thể trở về bên nhau?

Khoảng thời gian bên nhau đáng lẽ anh phải trân trọng em hơn,

.

.

.

Phải trân trọng em hơn…

Một lời nói – qua giọng hát của Ji ở khúc cuối bài bỗng dưng cao vút lên như thâu tóm toàn bộ cảm xúc của bài hát, một nỗi buồn khắc khoải, day dứt và đầy ám ảnh, có lẽ câu hát ấy còn ám ảnh hơn cả bản gốc của nó, dường như không còn một chút hy vọng gì vào tình yêu đáng lẽ ra chỉ cần hiểu nhau hơn, cả hai sẽ không phải chọn một con đường đau khổ đến vậy.

Tell me goodbye – Big Bang (Big Bang Japan Dome Tour 2014-2015)

                    Dạo này thích nghe lại những bài nhạc buồn của Bigbang, trước đó là Lies (bản acoustic), Blue, rồi Tell me goodbye, gần đây là If you. Không thể nào so sánh bài nào buồn hơn, hay hơn, mỗi bài có một nỗi buồn riêng, dấu ấn riêng của nó trong lòng người nghe. Có nhiều bài mới nghe mình không cảm thấy buồn da diết nhưng nghe vài lần mới thấy được cảm giác buồn nó ám ảnh kinh khủng.

                    Dù biết nghe nhiều nhạc buồn kiểu này sẽ khiến tâm trạng mình tệ thêm nhưng không thể nào dứt ra được, nghe đi nghe lại cho đến khi giai điệu bài hát cứ vang mãi trong đầu, hay một lúc rảnh rỗi lại ngâm nga một khúc nào đó trong bài, lúc đó lại thấy hiểu bài hát hơn. Tell me goodbye bắt đầu bằng đoạn rap của Ji là thấy nó ray rứt lắm rồi, giọng Ji lúc hát những khúc buồn nghe nó sầu theo kiểu nội tâm dằng xé, cảm giác đó giống như nhớ về tình yêu đó trong day dứt, đau khổ. Mỗi thành viên đem lại cho bài hát từng cung bậc, giọng Taeyang như một lời tự sự, sau đó Daesung lại thêm vào đó chất da diết rồi đến khi giọng Ri và Ji hòa cùng nhau, chưa bàn tới lời bài hát, chỉ cần nghe giai điệu đó thôi cũng đủ cảm nhận phần nào âm hưởng buồn của bài hát. TOP lại đem đến cho bài hát những khúc nghỉ tựa như lúc hai người yêu nhau nghĩ về người kia, nghĩ về tình yêu đầy bế tắc của họ, có lẽ chia tay hay “tạm” xa nhau là điều tốt nhất cho cả hai.

Anh không muốn nhìn em ngã quỵ vậy nên hãy chia tay đi.

Tình yêu của chúng ta đã mang lại quá nhiều đau khổ.

Anh không còn gì để nói…

Tell me goodbye, tell me goodbye

Dù đau đớn nhưng sẽ để em ra đi bởi “em sẽ có một vùng trời tự do nếu quên được anh”. 

Tình yêu đôi lúc đi vào bế tắc, chia tay có thể sẽ là một giải thoát dù những gì theo sau nó day dứt cả hai trong một thời gian dài.

.

.

.

.

V.I.Ps 🙂 Mọi người thích bản nhạc buồn nào của Bigbang, chia sẻ cảm nhận một chút nhé 😀

Take me to church – Đôi điều suy ngẫm

Ai đó trong các bạn chắc hẳn đã từng nghe qua bài hát này, được đề cử Grammy mà :D. Đối với mình, bây giờ mới biết đến nó thật sự là một hối tiếc lớn. Trong một lần tình cờ lượn youtube thôi, thấy “Take me to the church”, giai điệu của bài hát này có gì đó rất cuốn hút mình. Nó tuyệt vời cả trong giai điệu lẫn phần ý nghĩa. Tuy nhiên hơi khó khăn để hiểu hết phần ý nghĩa này, bởi mỗi người lại có một cách nghĩ khác nhau, có thể cách nghĩ của mình dưới đây sẽ khác với cách nghĩ của một số người nhưng đó là những gì mình cảm nhận được.

*Dưới đây có nội dung liên quan đến LGBT, nếu bạn không thích vấn đề này, nút back ở ngay bên bạn.

.

.

.

Gạt qua những phần ý nghĩa liên quan đến chính trị, ca từ bài hát đề cập đến một vấn đề: tình yêu đồng tính và cách xã hội đang đối xử với loại tình yêu “lạ lẫm” đó, đồng thời truyền tải sự tuyệt vời của tình yêu.

Thật sự, đồng tính không lạ lẫm gì, nó song hành với tình yêu trai gái từ rất lâu rồi, chỉ là con người đôi khi không chấp nhận, một trong số đó là những tổ chức tôn giáo. Phần lớn mọi người có trong mình một đức tin như một phần cuộc sống, một điểm tựa để tạo động lực để bước tiếp nhưng với một số khác, đức tin lại gây ra nhiều trở ngại, đôi khi là một sự dằn vặt.

Một số tổ chức như nhà thờ (theo như mình tìm hiểu được) coi đồng tính là một căn bệnh, đúng hơn là một tội ác nghiêm trọng. Một bên là đức tin, một bên là tình yêu, tình yêu đồng tính từ đâu lại bị ghép cho một cái tội trong khi họ chỉ làm theo những gì con tim họ muốn. Không ai định nghĩa được tình yêu đích thực là gì, bản thân mỗi người tìm kiếm một tình yêu riêng, không màng tới người đó là ai, tình yêu đó tồn tại giữa hai người đàn ông, hai người phụ nữ hay theo cách thông thường nhất – một người đàn ông và một người phụ nữ. 

Knows everybody’s disapproval” – “If the Heavens ever did speak, she’s the last true mouth piece

Chỉ duy nhất vị thần tình yêu hiểu cho tình yêu của họ, người đời nhìn vào đó với ánh mắt khinh miệt. Nếu như có một nơi gọi là thiên đường, ở nơi đó nên tồn tại một quy luật mang tên tình yêu.

The only Heaven I’ll be send to, is when I’m alone with you” – Nhà thờ không chấp nhận tình yêu đồng giới, nếu thiên đường tồn tại thì nơi đó không dành cho họ, chỉ bởi họ là người đồng tính?!? Giáo hội đã quên mất rằng con người sinh ra đã mang trong mình bản chất đấu tranh, chỉ cần được sống bên cạnh người mình yêu, đó đã là một thiên đường rồi, một nơi không cần phải chết mới tận hưởng được.

I was born sick, but I love it” – Một lời tuyên bố chắc nịch về bản thân, “tôi yêu bản thân mình và người mà trái tim tôi hướng đến, tôi không quan tâm đến những gì họ vào tôi”.

Nếu tình yêu giữa họ là tội lỗi thì không có một sự vô tội nào ngọt ngào hơn tội lỗi đó – một tội lỗi mà họ bị ép buộc phải mang trên mình. Tình yêu thật sự không có tội, có chăng chỉ là cách con người đối xử với tình yêu đó. Đoạn ca từ trong khoảng phần giữa bài hát phải nói là ám ảnh nhưng là đoạn mình thích nhất. Trong tình yêu pha trộn giữa sự điên loạn, hoang dại và nhơ bẩn đó – In the madness and soil of that sad earthly scene – họ mới được sống như một con người đích thật.

Đến cuối cùng họ vẫn cất tiếng gọi Chúa trời, liệu khi họ thú nhận tình yêu của mình trước chúa – I’ll tell you my sins – họ có được tha thứ cho “tội lỗi” của mình hay chính những lời thú tội đó lại trở thành những mũi dao đâm ngược lại họ.

Như đã nói ở trên, nếu như đó là tình yêu thật sự, cho dù cả thế giới quay mặt lại, chỉ cần người mình yêu ở bên cạnh, vậy là đủ. Cả bài hát như một vòng luẩn quẩn, mở đầu bằng một đám tang rồi kết thúc trong một nghi lễ buồn bã. Cái chết có một quyền năng: biến tất cả vạn vật trở về vị trí ban đầu – No Masters or Kings, when the Ritual begins. Và nụ cười của người yêu anh – tại sao cô lại cười trong không khí tang thương đó, phải chăng cô cười lên sư giả dối ở đám tang, nơi được tổ chức bởi chính những người đã ruồng bỏ anh. “Khi tình yêu đến, hãy trân trọng nó” anh đã không nghĩ nhiều về nó cho đến khi chết – I should’ve worshiped her sooner – anh sẽ tôn thờ tình yêu đó sớm hơn.

————————————————

Dù cảm nghĩ hơi lộn xộn nhưng đó là những gì khi nghe đi nghe lại bài hát này mình nghĩ đến, một bài hát buồn nhưng lại ý nghĩa.

Tình yêu không thể áp đặt và xét tội.